Mô tả
Bồ công anh hay rau bồ cóc, rau bao là một loại cây khá quen thuộc trong dân gian, mọc hoang ở nhiều nơi, ở nhiều vùng miền. Thường người ta biết đến bồ công anh như một loài rau ăn, tuy nhiên đây cũng chính là một vị thuốc quý. Theo y học cổ truyền, bồ công anh có vị đắng, ngọt, tính lạnh; với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng thì bồ công anh có thể chữa được các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm họng, viêm dạ dày tá tràng, viêm gan, viêm tuyến vú,… Bồ công anh cũng là một vị thuốc được sử dụng để chữa trị các bệnh rối loạn gan mật, rối loạn trên hệ bài tiết, chữa suy nhược cơ thể, chống loãng xương.
Bộ phần dùng làm thuốc của cây bồ công anh là lá, có thể sử dụng cả lá tươi và lá khô. Thường thì lá tươi chỉ dùng để đắp ngoài hay luộc ăn, còn để làm thuốc, sắc thuốc uống thì người ta sẽ dùng lá bồ công anh khô. Theo đó, lá cây sẽ được thu hái chi bồ công anh bắt đầu ra hoa hoặc chưa có hoa, loại bỏ hết những lá xấu, lá vàng úa, đem rửa sạch rồi phơi nắng hoặc sấy cho khô.
Theo dược điển Việt nam quy định, lá bồ công anh khô là lá phải có độ ẩm không quá 12%, tro toàn phần phần không quá 9%, ngọn có hoa không được quá 10%, tạp chất hữu cơ không quá 1%, tỉ lệ ngọn mang lá và hoa dàu quá 20cm không vượt 10%.
Theo nghiên cứu thì trong lá bồ công anh có nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Lượng chất sắt trong bồ công anh tương tương trong rau dền; lượng vitamin A cao gấp 4 lần rau diếp; đồng thời cũng chứa rất nhiều các nguyên tố vi lượng khác như magie, potassium, calcium, sodium và đặc biệt có rất giàu vitamin B, C. Chưa hết, bồ công anh cũng là nguồn cung cấp protein, chất béo và tinh bột dồi dào.